Latest Post

Sheet nhạc bài hát chuyện tình không suy tư Sheet nhạc bài hát cạn lời yêu

Kể từ khi vở opera đầu tiên của châu Âu ra đời cho đến nay đã hơn 400 năm, một chặng đường lịch sử khá dài. Với khoảng thời gian đó, opera châu Âu đã phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn với nhiều thể loại, nhiều trường phái phong cách, ghi danh biết bao tên tuổi của các nhạc sĩ vĩ đại mà sự nghiệp của họ đã làm chói lọi cho những trang sử của opera.

Opera thời kỳ tiền cổ điển:

Opera Ý.

Thời kỳ tiền cổ điển dánh dấu sự ra đời của opera với công lao của người Ý. Opera Ý đã phát triển khá rực rỡ, có nhiều trường phái opera nổi bật như Florence Mantoue, Rome, Venice và Naples.

Vở opera đầu tiên ra đời ở thành phố Florence, đó là “Dafné”, được sáng tác năm 1594 – 1598 của nhạc sĩ – ca sĩ Peri (1560 – 1633), kịch bản của nhà thơ Ottovio Rinuccini. Tuy nhiên, tổng phổ của “Dafné” không còn lưu giữ được. Năm 1600, opera “Euridice” cũng của Peri và Rinuccini đã ra mắt khán giả và tổng phổ được in, trở thành tài sản không bị lãng quên. “Euridice” đã thực sự đánh dấu cho sự ra đời opera và Florence trở thành cái nôi của nghệ thuật này ở Ý.

Tiếp sau Florence, các trường phái opera của Ý như Mantoue, Rome, Venice và Naples đã đua nhau nở rộ vào thế kỷ XVII và đầu XVIII. Gắn liền với sự phát triển của opera Ý thời kỳ này là tên tuổi của nhiều nhạc sĩ như Galiano của Mantoue, Landi của Rome, C. Monteverdi của Venice, A. Scarlatti và G.B. Pergolesi của Naples… Đặc biệt, lịch sử opera Ý được rạng danh bởi sự nghiệp sáng tác của C. Monteverdi và A. Scarlatti.

Các nhạc sĩ Naples đã tạo ra những chuẩn mực cho thể loại opera seria (opera nghiêm trang). Alessandro Scarlatti (1658 – 1725) là nhạc sĩ đứng đầu trường phái Naples đã xây dựng opera theo lối hát bel canto (hát đẹp) với những kỹ thuật thanh nhạc tinh xảo.

Với lối cấu trúc số, ít sử dụng hợp xướng và ballet, lối hát bel canto đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc cao, opera seria đã dẫn tới sự phát triển chưa từng có từ trước đến thời bấy giờ của nghệ thuật thanh nhạc. Giới quý tộc lúc đó rất ưa chuộng opera seria, thậm chí còn coi như là thể loại riêng của họ. Sau này, do chiều theo thị hiếu của giới quý tộc mà đầu thế kỷ XVIII, opera seria đã đi vào chỗ bế tắc dẫn đến khủng hoảng.

Đầu thế kỷ XVIII, khi mà opera seria của Ý đạt đến đỉnh cao của thời tiền cổ điển và có xu hướng rơi vào khủng hoảng thì cũng là lúc opera buffa (còn gọi là opera hài) ra đời. Tác phẩm được coi là đặt nền móng cho opera buffa là “Con sen thành bà chủ” hay còn gọi là “Người hầu thành quý bà” (năm 1733) của nhạc sĩ người Ý thuộc trường phái Napoli, Giovanni Battista Pergolesi (1710 – 1736).

 Opera Pháp.

Các nhạc sĩ Ý đã làm rạng danh cho lịch sử opera. Nhạc kịch của họ có ảnh hưởng rộng rãi tới nhiều nước châu Âu, trong đó có nước Pháp.

Người tiên phong viết opera của Pháp là nhạc sĩ Cambert với vở “Thôn dã”  hay còn gọi là “Khúc đồng quê” (1659), phần kịch bản của nhà thơ Perrin. Người có công xây dựng nền opera Pháp là Jean Baptiste Lully (1632 -1687). Lully đã tiếp thu opera Ý ở mặt hình thức, bố cục nhưng ông đã sáng tạo chất liệu, thủ pháp và nội dung biểu hiện phù hợp với tâm hồn của dân tộc Pháp, làm cho opera Pháp mang đặc điểm dân tộc và một điểm đáng chú ý là ông đã đưa nhiều múa vào opera.

Vào giữa thế kỷ XVIII, opera comique (opera hài) của Pháp đã ra đời với sự đánh dấu là tác phẩm “Thày bói làng quê” (1752) của nhà triết học J.J. Rousseau (1712 – 1788). Opera comique của Pháp từ đó phát triển và sau này gắn liền với khá nhiều tên tuổi của các nhạc sĩ E. Duni, F. D. Philidor, A. Gretry …

 Opera Anh, Đức.

Nước Anh thời đó không có một nền opera rực rỡ như Ý và cũng không có được những trang sử đáng tự hào như opera Pháp. Sự phát triển opera của họ có thể nói là khiêm tốn, song cũng phải kể đến nhạc sĩ H. Purcell sáng tác opera “Didon và Enée” (1688). Một nhạc sĩ người Đức sang định cư tại Anh thời bấy giờ đã có công phục hồi cho nền âm nhạc Anh nói chung và nhạc kịch Anh nói riêng, đó là Georges Frideric Haendel (1685 – 1759). Haendel sáng tác hơn 40 vở opera. Lúc đó, opera seria châu Âu đã rơi vào khủng hoảng, cải cách opera seria là hoài bão của ông. Tuy nhiên, ông  không thành công lắm và chưa đạt được đích của sự cải cách này.

Khác với nước Anh chỉ có một opera duy nhất, người Đức đã xây dựng cho mình một trường phái opera ở thành phố Hamburg với tên tuổi của một số nhạc sĩ nổi tiếng như: G.F. Telemann với 40 opera; S. Cusser, J. Mattheson và đặc biệt là nhạc sĩ Reinhard Keiser (1674 – 1739) là tác giả của 120 opera.

Tóm lại, thời kỳ tiền cổ điển đã đánh dấu sự ra đời của opera với hai thể loại chủ yếu là opera trang nghiêm và opera hài hước. Opera đã phát triển rực rỡ ở Ý, khá phong phú ở Pháp và lan sang nhiều nước như Đức, Anh v.v… Đầu thế kỷ XVIII, opera seria bắt đầu có sự suy thoái từ nước Ý và cũng ảnh hưởng sang các nước khác ở châu Âu. Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của opera thời kỳ tiền cổ điển là nền tảng cho sự phát triển của opera ở các thời kỳ sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *