Theo trang Daily Mail, một nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dùng phương pháp ghi điện não đồ (EEG) để tạo ra âm vực và độ ngân của các nốt, đồng thời tiến hành các cuộc quét hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI) nhằm kiểm soát cường độ của âm nhạc.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí PLoS ONE đã hé lộ một phương pháp cải tiến, giúp diễn dịch các quá trình sinh lý của não bộ thành âm nhạc.
Trước đây, các nhà nghiên cứu đến từ Ban Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Nội vụ Mỹ cũng từng khảo sát khả năng hình thành một dạng đào tạo hệ thần kinh được gọi là “âm nhạc của bộ não”. Thử nghiệm này sử dụng âm nhạc tạo ra từ các sóng não của một cá nhân để giúp người đó chuyển từ trạng thái lo lắng sang trạng thái thư giãn.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới do Jing Lu và các cộng sự đến từ Đại học Công nghệ và Điện tử ở Trung Quốc đã sử dụng đồng thời các kết quả ghi EEG và fMRI để biểu diễn tốt hơn hoạt động của não bộ bằng những nốt nhạc.
Theo các tác giả, âm nhạc do bộ não tạo ra theo cách này “là cách thể hiện hoạt động của não bộ bằng hình thức nghệ thuật, mang tới tiền đề để các nhà khoa học và nhạc sĩ cùng bắt tay hợp tác nhằm tìm hiểu rõ hơn về những mối quan hệ giữa âm nhạc và bộ não người”.
Họ cũng bày tỏ hy vọng, phương pháp kết hợp dữ liệu EEG và fMRI vốn cung cấp sự phản ánh tốt hơn về hoạt động của bộ não sẽ mang tới những ứng dụng mới cho việc chẩn đoán lâm sàng hoặc liệu pháp chữa trị liên hệ phản hồi sinh học.